TP - Chuyện tưởng lạ nhưng rất đỗi bình thường ở các ngôi làng huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Người dân Cơ Tu làm du lịch “chuyên nghiệp” dù quanh năm chỉ ở trong bản làng.
Hướng dẫn viên… làng
Nắng sớm và sương núi xuống làm buổi sáng ở những ngôi làng Cơ Tu đẹp tinh khôi. Đoàn khách du lịch vừa xuống xe, bà con ân cần ra đón và hướng dẫn khách vào làng. Không tỏ ra hiếu kì, bỡ ngỡ, mấy đứa trẻ ngoan ngoãn vòng tay chào khi có khách ngang nhà mình. Anh hướng dẫn viên của đoàn khách Nhật lần đầu dẫn khách lên đây lóng ngóng trước các vật phẩm, văn hóa của đồng bào Cơ Tu, chưa biết xử lý thế nào thì một anh trai làng ra tình nguyện làm hướng dẫn viên đi cùng đoàn. Chẳng phải đợi khách hỏi mới nói, hướng dẫn viên…làng giới thiệu chi tiết từng mái nhà Gươl, căn bếp, chiếc giỏ. Nếu không được bật mí, cả đoàn vẫn cứ tưởng đấy là hướng dẫn viên của công ty lữ hành nào khoác áo thổ cẩm vào.
“Ở đây thanh niên nào cũng có thể hướng dẫn được cả, thậm chí các bác đã ngoài 50, toàn kể về làng mình thì có gì khó đâu…”.Zơ Râm Thị Tơ, 27 tuổi,làng dệt thổ cẩm Zơ Ra
Sang làng dệt thổ cẩm Zơ Ra, Zơ Râm Thị Tơ (27 tuổi) lại cuốn hút cả đoàn vì nét đẹp thanh thoát của con gái miền núi và cách hướng dẫn khách rất chuyên nghiêp. Tơ mời khách vào Gươl giới thiệu với họ những chiếc khung dệt truyền thống của làng mình, những nghệ nhân lâu năm. Đoàn khách Nhật mắt tròn mắt dẹt nhìn từng sợi chỉ đan thành tấm, Tơ vui vẻ mời họ ngồi dệt thử. Cùng lúc, Tơ cầm tấm thổ cẩm lên kể về sự gắn bó của nó đối với đồng bào Cơ Tu, và cách làm nên những chiếc váy, áo từ loại vải này.
Bà Nobako Otsuki (50 tuổi) hài lòng: “Dù đã có hướng dẫn viên theo đoàn, nhưng được một người địa phương đứng ra giới thiệu, chúng tôi cảm thấy chuyến du lịch của mình ý nghĩa và hiểu sâu hơn về văn hóa của điểm đến. Trong hành trình đến Việt Nam lần này, đây là nơi tôi thấy đặc biệt nhất”. Tiễn khách khỏi làng, hỏi Tơ được cử đi học hướng dẫn du lịch lâu chưa, Tơ cười: “Ở đây thanh niên nào cũng có thể hướng dẫn được cả, thậm chí các bác đã ngoài 50, toàn kể về làng mình thì có gì khó đâu. Các làng bên cũng vậy. Không tin, chị cứ thử sang xem”.
Nghe lời Tơ, đến làng Pà Ia, một thanh niên trong làng da ngăm đen, người vạm vỡ mang trang phục truyền thống ra chào khách. Anh chủ động giới thiệu những bản sắc của làng, hướng dẫn viên tiếng Nhật chỉ việc dịch lại. Đúng như Tơ nói, anh trai làng hết đưa khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ câu chuyện về lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới đến câu hát của người Cơ Tu. Theo các hướng dẫn viên... làng bao giờ cũng có ba bốn người, hỗ trợ khi khách cần hỏi riêng về vấn đề gì sẽ giải đáp cho. Họ còn hướng dẫn nhiệt tình cách đi lại, ăn uống cho đúng điệu Cơ Tu. Mỗi tháng vài đoàn khách lên thăm, cả làng cứ thế thay phiên nhau đón tiếp, ai cũng được làm hướng dẫn viên du lịch.
Bữa cơm nhà thành đặc sản
Trời xế trưa, cả đoàn nghỉ lại trong mái nhà Gươl, mâm cơm đã dọn sẵn. Vừa thấy cơm lam, loại cơm được nấu trong ống tre, mấy vị khách Nhật hỏi ngay anh hướng dẫn viên đấy là gì. Rồi bánh sừng trâu, rau dớn từ trên núi cũng làm họ vô cùng thích thú. Dơ Rum Cháo (22 tuổi, làng Pà Ia) thật thà: “Bữa ăn chẳng có gì lạ, toàn những thức ăn dân dã, bình thường của bà con hàng ngày và trong các lễ hội. Rau hái từ trên núi và trồng trong vườn, thịt gà, thịt heo nuôi được, cá bắt từ suối lên. Chúng tôi nấu theo cách nấu đặc trưng của mình, không vì làm du lịch mà để mất nét ẩm thực riêng biệt đó”.
Nghe tin có đoàn khách du lịch lên, từ tờ mờ sáng, mỗi nhà cắt cử một phụ nữ dậy tập trung nấu nướng. Người ngâm nếp, người hái lá dong, làm thịt gà, thịt heo. Đến trưa, mâm cơm bày ra đủ các món: rau dớn luộc, thịt heo nướng xiên, gà nướng ống tre, bông bí xào, cá suối kho...
Những xiên thịt heo nướng được cắt miếng to, phần mỡ nhiều hơn nạc nhìn qua thấy ớn không dám ăn. Pa Lang Bôi (30 tuổi, người trong làng) vỗ vai phân trần: “Thịt heo trên này bao giờ cũng thế, nhìn không đẹp mắt nhưng ăn rất chắc thịt và bùi, hơn nữa có lớp da dày, dai nên ăn không hề ớn”. Ăn thử mới biết Pa Lang Bôi nói thật, thịt ngon và thơm hơn thịt ở dưới xuôi. Mâm cơm trong nhà Gươl thoáng chút đã hết sạch, ai cũng gật đầu vì bữa trưa ngon lành của đồng bào. Họ còn đãi khách nhánh tiêu rừng cay nồng, thơm phức, ăn xong mỗi người uống một ngụm nước lá hái từ trên núi xuống được phơi khô từ mùa nắng.
Buổi chiều, cả đoàn tới sân làng, một đội múa tâng tung da dá đứng từ ngoài cổng đón chào. Trống vừa cất lên, cả đội reo hò và nhập vào sân mải mê nhảy múa. Nhiều vị khách Nhật đã luống tuổi cũng mượn trang phục múa khoác lên người, hứng thú hòa cùng đội hình, cầm chiêng, cầm trống nhảy nhót giữa sân.
Sống tốt hơn
Tháng 5/2012, dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” do Tổ chức cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) phối hợp với UBND huyện Nam Giang khởi động. Không giống những nơi khác, du lịch Cơ Tu bình thường, dân dã và sử dụng nguồn lực là những người đồng bào sống ngay trong bản làng của họ. Tất cả các thôn làng đều hứng khởi vì bao năm gắn với bốn bề rừng núi, nay đươc mệnh danh là làng du lịch. Bà con dặn nhau phải sống thật nề nếp để khách tới không phải than phiền.
Trong làng, lũ trẻ hay các cụ già, ai cũng chào khách và tiếp chuyện được bằng tiếng Kinh, lớp trẻ lại càng thành thạo. Một số thanh niên kể, ngày trước đi học cũng nói được, nhưng nghỉ học thì quên gần hết, từ ngày có các đoàn khách du lịch về làng cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn, đêm về còn đọc thêm sách báo để vốn từ thêm phong phú. Cánh phụ nữ lại mừng ra mặt vì được trổ tài nấu nướng cho người lạ ăn. Lâu nay, chỉ khi có lễ hội họ mới có dịp tập trung vào bếp, thi thoảng mới có vài ba vị khách ghé làng. Thói quen nấu cơm du lịch phải sạch sẽ, tỉ mỉ ăn dần vào những mái nhà, thay vì qua loa, xong bữa như trước đây, bà con coi trọng dinh dưỡng và vệ sinh cho bữa ăn của gia đình mình.
Dơ Rum Cháo chia sẻ: “Trước đây có gì ngon là đem bán hết không dám ăn, bữa nào cũng chỉ rau và muối, thế rồi đổ bệnh, tiền bán của ngon không đủ tiền thuốc. Bây giờ chúng tôi hiểu ra nhiều, phải ăn uống có chất, vệ sinh mới có sức khỏe làm việc”. Không chỉ trong bữa ăn, từ nhà ra ngõ bao giờ cũng tinh tươm, chuồng trại vật nuôi được tách xa với khu nhà ở.
Từ ngày làm du lịch, bà con có thêm thu nhập chứ không chỉ mong vào hạt lúa, hạt ngô. Có đoàn tới mua cả chục chiếc giỏ đan bằng tre, mây, cái rẻ nhất vài chục, cái đắt tới cả triệu. Rồi vải thổ cẩm, hạt cườm, nông sản cũng bán được nhiều hơn. Chị A Viết Bốt (trưởng thôn Pà Xua) cho biết: “Đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã tốt hơn rất nhiều, họ kiếm được tiền, tiếp thu được rất nhiều điều mới mẻ bổ ích dù quanh năm chỉ ở trong bản làng. Cũng nhờ hoạt động du lịch, mà từng điệu múa, lễ hội, bữa cơm ở các thôn làng được bảo tồn”.